NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐĂNG KÍ BẰNG LÁI Ô TÔ
Ở Việt Nam tổng có 11 loại bằng lái xe ô tô bao gồm: Hạng B1 số tự động, hạng B1, hạng B2, hạng C, hạng D, hạng E, hạng F, hạng FB2, hạng FC, hạng FD, hạng FE. Mỗi hạng sẽ có những quy định riêng về độ tuổi cũng như phạm vi sử dụng khác nhau. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem những điều cần biết khi đăng kí thi bằng lái ô tô.
I. NỘI DUNG VỀ BẰNG LÁI Ô TÔ
1. Hồ sơ đăng kí học bằng lái ô tô (B2)
Bộ hồ sơ đăng ký học lái xe B2 của học viên bao gồm:
– Đơn đề nghị học và dự thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục 7 đã ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT;
– Bản sao của một trong các loại giấy sau: Giấy chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu vẫn còn thời hạn sử dụng và có ghi số giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân đối với học viên là người Việt Nam; Hộ chiếu vẫn còn thời hạn đối với người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài;
– Bản sao sổ hộ chiếu còn có thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú/thẻ thường trú/chứng minh thư ngoại giao/chứng minh thư công vụ đối với người học là người nước ngoài;
– Giấy khám sức khỏe của người đăng ký học được cấp bởi cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định.
– Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo với những người dự thi sát hạch bằng lái xe hạng A4, B1, B2 và C;
– Danh sách đề nghị thi sát hạch của cơ sở đào tạo bằng lái xe có tên của người đăng ký dự thi sát hạch.
2. Các Chi Phí Khi Đăng Kí Thi Bằng Lái Xe Ô Tô
– Chi phí làm hồ sơ
– Chi phí học lý thuyết gồm tài liệu, giáo viên hướng dẫn;
– Chi phí học thực hành gồm lái xe sa hình và đường trường;
– Một số khoản lệ phí thi khác.
3. Tài Liệu Ôn Tập
– Đề thi lý thuyết sát hạch lái xe ô tô là 600 câu trong đó có “60 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng” để tính “điểm liệt”.
– Thời gian đào tạo:
+ Hạng B1:
- Xe số tự động: 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340);
- Xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420);
+ Hạng B2: 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420);
+ Hạng C: 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752).
II. QUY ĐINH MỚI VỀ BẰNG LÁI Ô TÔ
Ngày 31/3/2024, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Theo điểm g Khoản 2 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/6/2024 quy định cơ sở đào tạo lái xe căn cứ nội dung, chương trình đào tạo lái xe, xây dựng chương trình đào tạo lái xe và báo cáo Sở Giao thông vận tải để theo dõi quản lý.
Đồng thời, tại điểm a Khoản 4 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT quy định về hình thức đào tạo như sau:
– Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với các hạng A4, B1 phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.
– Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và các hạng F được đào tạo:
+ Đối với nội dung học lý thuyết được lựa chọn một trong các hình thức sau: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
+ Riêng đối với các môn phải học tập trung tại cơ sở đào tạo, gồm: cấu tạo và sửa chữa thông thường; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe;
– Đối với nội dung học thực hành lái xe: theo hình thức tập trung;
– Phải kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo.
Như vậy, kể từ ngày 01/6/2024 đã có thể học lý thuyết thi bằng lái xe ô tô bằng hình thức đào tạo từ xa (trực tuyến)